Pháp luật về hoạt động đại lý bảo hiểm


Đề cập những nội dung liên quan được pháp luật quy định trong hoạt động đại lý bảo hiểm

1. Đại lý bảo hiểm là ai? Đại lý bảo hiểm được Doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền thực hiện các hoạt động nào?

Điều 84 Luật KDBH quy định:

Đại lý bảo hiểm là tổ chức, cá nhân được doanh nghiệp bảo hiểm uỷ quyền trên cơ sở hợp đồng đại lý bảo hiểm để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Điều 85 Luật KDBH quy định:

Đại lý bảo hiểm có thể được doanh nghiệp bảo hiểm uỷ quyền tiến hành các hoạt động sau đây:

1. Giới thiệu, chào bán bảo hiểm;

2. Thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm;

3. Thu phí bảo hiểm;

4. Thu xếp giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;

5. Thực hiện các hoạt động khác có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm.

Như vậy, đại lý bảo hiểm là tổ chức, cá nhân được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền trên cơ sở hợp đồng đại lý bảo hiểm để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

2. Điều kiện để một cá nhân hoặc tổ chức có thể hoạt động đại lý bảo hiểm?

    Hoạt động đại lý là hoạt động có điều kiện. Chỉ có người đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định của pháp luật mới được hoạt động đại lý.

Điều 86 Luật KDBH quy định:

1. Cá nhân hoạt động đại lý bảo hiểm phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam;

b) Từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

c) Có chứng chỉ đào tạo đại lý bảo hiểm do cơ sở đào tạo được Bộ tài chính chấp thuận cấp. Bộ tài chính quy định về chương trình, nội dung, hình thức đào tạo, việc cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm.

2. Tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Là tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp;

b) Nhân viên trong tổ chức đại lý trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc bị Toà án tước quyền hành nghề vi phạm các tội theo quy định của pháp luật không được ký kết hợp đồng đại lý bảo hiểm.

Khách hàng có thể kiểm tra tư cách đại lý bằng việc yêu cầu đại lý xuất trình hợp đồng đại lý hoặc chứng chỉ đào tạo đại lý.

3. Nguyên tắc hoạt động đại lý bảo hiểm được quy định như thế nào để tôn trọng quyền và lợi ích của khách hàng?

    Cán bộ của DNBH không được làm đại lý cho chính DNBH của mình. Đại lý bảo hiểm không được đồng thời làm đại lý cho doanh nghiệp bảo hiểm khác nếu không được chấp thuận bằng văn bản của doanh nghiệp bảo hiểm mà mình đang làm đại lý. Điều 28 Nghị định 45 quy định:

“1. Tổ chức, cá nhân hoạt động đại lý bảo hiểm phải có đủ điều kiện hoạt động đại lý theo quy định tại Điều 86 của Luật Kinh doanh bảo hiểm và phải ký hợp đồng đại lý bảo hiểm theo quy định tại Điều 87 của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

2. Cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp bảo hiểm không được làm đại lý bảo hiểm cho chính doanh nghiệp bảo hiểm đó.

3. Tổ chức, cá nhân không được đồng thời làm đại lý cho doanh nghiệp bảo hiểm khác nếu không được chấp thuận bằng văn bản của doanh nghiệp bảo hiểm mà mình đang làm đại lý.

4. Đại lý bảo hiểm không được xúi giục khách hàng huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm đang có hiệu lực dưới mọi hình thức.”

Những quy định trên nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của khách hàng và hạn chế hoạt động cạnh tranh bất hợp pháp của đại lý.

4. Chế độ quản lý nhà nước về đào tạo đại lý bảo hiểm như thế nào?

    Bộ Tài chính là cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm kiểm tra giám sát, cấp phép, thu hồi giấy phép đào tạo đại lý bảo hiểm. Cơ sở được phép đào tạo đại lý bảo hiểm phải thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

Điều 33 NĐ 45 quy định:

“1. Bộ Tài chính có trách nhiệm kiểm tra giám sát hoạt động đào tạo đại lý bảo hiểm. Trường hợp tổ chức đào tạo đại lý bảo hiểm không đáp ứng đủ các điều kiện đào tạo đại lý bảo hiểm quy định tại Điều 32 Nghị định này, Bộ Tài chính sẽ đình chỉ hoạt động của tổ chức đào tạo đại lý bảo hiểm.

2. Hàng năm, tổ chức đào tạo đại lý bảo hiểm phải báo cáo Bộ Tài chính về số lượng khoá đào tạo đã tổ chức, số lượng đại lý đã đào tạo, số lượng chứng chỉ đã cấp trong năm.”

5. Điều kiện được cấp phép đào tạo đại lý bảo hiểm như thế nào?

    Chỉ có những cơ sở đào tạo đại lý có đủ điều kiện được quy định tại Luật KDBH mới được cấp phép đào tạo đại lý bảo hiểm.

Điều 31 NĐ 45 quy định:

“1. Tổ chức đào tạo đại lý bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có chương trình đào tạo quy định tại Điều 32 Nghị định này;

b) Cán bộ đào tạo đại lý bảo hiểm phải có kiến thức chuyên môn về  bảo hiểm, kiến thức pháp luật và kỹ năng sư phạm;

c) Có đủ cơ sở vật chất để bảo đảm cho việc đào tạo.

2. Tổ chức đào tạo đại lý bảo hiểm phải có văn bản đề nghị Bộ Tài chính phê chuẩn chương trình đào tạo đại lý bảo hiểm, kèm theo tài liệu giải trình về kiến thức của cán bộ đào tạo đại lý bảo hiểm và cơ sở vật chất bảo đảm cho việc đào tạo. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị và hồ sơ hợp lệ của tổ chức đào tạo đại lý bảo hiểm, Bộ Tài chính phải trả lời bằng văn bản việc chấp thuận hoặc từ chối chấp thuận. Trong trường hợp từ chối chấp thuận, Bộ Tài chính phải có văn bản giải thích lý do.”

6. Chương trình đào tạo cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm bắt buộc phải có những nội dung gì?

Điều 32 Nghị định 45 quy định:

“Chương trình đào tạo đại lý bảo hiểm bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

1. Kiến thức chung về bảo hiểm;

2. Trách nhiệm của đại lý, đạo đức hành nghề đại lý;

3. Pháp luật về kinh doanh bảo hiểm;

4. Nội dung của sản phẩm bảo hiểm doanh nghiệp bảo hiểm được phép kinh doanh;   

5. Kỹ năng bán bảo hiểm;

6. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm trong hoạt động đại lý bảo hiểm;

7. Thực hành hành nghề đại lý bảo hiểm.”

 Vì bảo hiểm và sản phẩm bảo hiểm là một dịch vụ vô hình. Đại lý bán bảo hiểm cần có một kiến thức nhất định mới có thể thuyết trình, giải thích, tư vấn cho khách hàng mua bảo hiểm.

7. Các hành vi bị nghiêm cấm đối với đại lý bảo hiểm như thế nào để đảm bảo lợi ích cho khách hàng?

    Để đảm bảo quyền lợi của khách hàng, luật pháp nghiêm cấm đại lý bảo hiểm có những hành vi làm tổn hại đến lợi ích của khách hàng và cạnh tranh không lành mạnh. Mục 6 Điều 47, điểm 4 Thông tư 124/2012/TT-BTC quy định rõ các hành vi bị cấm đối với đại lý bảo hiểm như sau:

a) Thông tin, quảng cáo sai sự thật về nội dung, phạm vi hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, điều kiện và điều khoản bảo hiểm làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm.

b) Ngăn cản bên mua bảo hiểm cung cấp các thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hoặc xúi giục bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm không kê khai các chi tiết liên quan đến hợp đồng bảo hiểm.

c) Tranh giành khách hàng dưới các hình thức ngăn cản, lôi kéo, mua chuộc, đe dọa nhân viên hoặc khách hàng của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm khác.

d) Khuyến mại khách hàng dưới hình thức bất hợp pháp như hứa hẹn giảm phí bảo hiểm, hoàn phí bảo hiểm hoặc các quyền lợi khác mà doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài không cung cấp cho khách hàng.

đ) Xúi giục bên mua bảo hiểm hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm hiện có để mua hợp đồng bảo hiểm mới.

8. Trách nhiệm của DNBH và đại lý bảo hiểm khi gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng tham gia bảo hiểm?

     Đại lý bảo hiểm hoạt động theo sự ủy quyền của DNBH. Vì vậy hành vi của đại lý gây thiệt hại đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp của khách hàng tham gia bảo hiểm vẫn thuộc về trách nhiệm của DNBH. Tuy nhiên, sau đó DNBH sẽ có kèm theo biện pháp xử lý thích hợp với đại lý vi phạm. Điều 88 Luật KDBH quy định:

     “Trong trường hợp đại lý bảo hiểm vi phạm hợp đồng đại lý bảo hiểm, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng được bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải chịu trách nhiệm về hợp đồng bảo hiểm do đại lý bảo hiểm thu xếp giao kết; đại lý bảo hiểm có trách nhiệm bồi hoàn cho doanh nghiệp bảo hiểm các khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường cho người được bảo hiểm.

     9. Các hành vi phạm các quy định về đại lý bảo hiểm sẽ được xử phạt như thế nào?

Theo điều 24 Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về đại lý bảo hiểm như sau:

1.      Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như sau:

        a)  Làm đại lý cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài khác khi không được sự đồng ý bằng văn bản của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài mà tổ chức, cá nhân đang làm đại lý.

        b)  Ngăn cản bên mua bảo hiểm cung cấp thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hoặc xúi giục bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm kê khai các chi tiết liên quan đến hợp đồng bảo hiểm.

        c)  Hoạt động đại lý bảo hiểm khi chưa ký hợp đồng đại lý hoặc khi hợp đồng đại lý bảo hiểm hết hiệu lực.

2.     Phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như sau:

        a)  Hoạt động đại lý bảo hiểm khi không đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.

        b)  Thực hiện các công việc ngoài nội dung hoạt động đại lý theo quy định của pháp luật.

        c)  Thực hiện các công việc ngoài nội dung được ủy quyền trong hợp đồng đại lý bảo hiểm.

        d)  Thay mặt bên mua bảo hiểm đàm phán hợp đồng bảo hiểm với chính doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài mà tổ chức, cá nhân đang làm đại lý.

        3.  Phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với cơ sở đào tạo đại lý thực hiện một trong những hành vi vi phạm như sau:

        a)  Đào tạo đại lý bảo hiểm chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

        b)  Không tuân thủ nội dung, chương trình đào tạo đại lý đã được Bộ tài chính phê chuẩn về thời gian đào tạo, cán bộ đào tạo, cơ sở vật chất để đào tạo

        c)  Cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm không đúng quy định của pháp luật.

        4.  Phạt tiền từ 90 triệu đồng đến 100 triệu đồng: đối với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài sử dụng tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động đại lý bảo hiểm mà không đảm bảo các điều kiện và nguyên tắc hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

        5.  Hình thức xử phạt bổ sung:

        Tước quyền sử dụng chứng chỉ đại lý bảo hiểm của cá nhân từ 02 tháng đến 03 tháng, đình chỉ hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức từ 02 tháng đến 03 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại khoản 2 điều này

        6.  Biện pháp khắc phục hậu quả:

        a)  Buộc khôi phục tình trạng ban đầu đối với trường hợp vi phạm quy định tại điểm b, điểm c khoản 3 điều này.

        b)  Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 2, khoản 3 điều này.

        c)  Buộc hủy kết quả đào tạo đại lý bảo hiểm đối với vi phạm quy định tại điểm b, điểm c khoản 3 điều này

        d)  Buộc đình chỉ hoạt động đào tạo đại lý đối với cơ sở đào tạo từ 01 tháng đến 03 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại khoản 3 điều này.

10. Đại lý bảo hiểm có được nhận hoa hồng bảo hiểm đối với các dịch vụ bảo hiểm thông qua hình thức đấu thầu (đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh, chỉ định thầu cho các dự án, tài sản mà vốn nhà nước trên 30 %) hay không?

      Theo khoản 4 điều 41 thông tư số 124/2012/TT-BTC quy định:

      Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài không được trả hoa hồng đại lý bảo hiểm trong trường hợp doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài cung cấp dịch vụ bảo hiểm thông qua các hình thức đấu thầu theo quy định tại Điều 23 và Điều 24 Nghị định số 123/2011/NĐ-CP.

      Điều 23. Đối tượng đấu thầu

      Chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên, chủ sở hữu hoặc sử dụng tài sản thuộc sở hữu nhà nước và của doanh nghiệp nhà nước khi tham gia bảo hiểm tài sản và bảo hiểm trách nhiệm đối với dự án, tài sản hoặc hoạt động của mình (trừ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới) phải thực hiện đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cung cấp bảo hiểm.

      Điều 24 Nghị định số 123/2011/NĐ-CP quy định:

1.     Căn cứ vào dự toán về phí bảo hiểm, các đối tượng quy định tại điều 23 nghị định số 123/2011/NĐ-CP lựa chọn hình thức đấu thầu đáp ứng quy định tại luật đấu thầu và các quy định sau:

a)     Trường hợp phí bảo hiểm dưới 3 tỷ đồng Việt Nam, các đối tượng quy định tại điều 23 Nghị định này ( chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên, chủ sở hữu hoặc sử dụng tài sản thuộc sở hữu nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước khi tham gia bảo hiểm tài sản và bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với dự án, tài sản hoặc hoạt động của mình (trừ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới) phải thực hiện đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm) lựa chọn hình thức chào hàng cạnh tranh hoặc chỉ định thầu nếu đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại luật đấu thầu. Đối với đối tượng là doanh nghiệp bảo hiểm, nếu phí bảo hiểm dưới 500 triệu đồng thì được áp dụng hình thức tự thực hiện (tự bảo hiểm).

b)    Trường hợp phí bảo hiểm từ 3 tỷ đồng trở lên, các đối tượng quy định tại điều 23 nghị định này áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi nếu đáp ứng đủ điều kiện quy định tại luật đấu thầu.

2.     Thủ tục, trình tự đấu thầu thực hiện theo quy định hiện hành.

      Như vậy, theo các quy định nêu trên thì Đại lý bảo hiểm không được nhận hoa hồng bảo hiểm thông qua hình thức đấu thầu (đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh, chỉ định thầu cho các dự án, tài sản mà vốn nhà nước trên 30%). 

 




Chia sẻ bài viết qua: